Sinh viên và câu chuyện đồ ăn “vỉa hè”

          Bất chấp sự mất vệ sinh thực phẩm cùng những nguy hại đến sức khỏe, giới sinh viên vẫn “chao đảo” trước hàng quán vỉa hè vì tính ngon – rẻ – tiện lợi và vì tâm lý phó mặc “ăn cũng chết, không ăn cũng chết”.

Một buổi chiều dạo quanh các trường đại học trong khu Cầu Giấy, chúng tôi vô cùng choáng ngợp trước sự la liệt của những hàng quán vỉa hè với đầy đủ các loại đồ ăn từ xúc xích, xiên nướng, bò bía, đến hoa quả dầm, trà sữa; thậm chí còn cả bún miến và cháo các loại.

20160507_174959

Những que xúc xích, nem chua thì không rõ nguồn gốc, được chiên đi chiên lại nhiều lần trên chiếc chảo “đen kịt”, đầy mỡ, lấy từ những can dầu màu vẩn đục. Còn các hộp hoa quả thì không nắp đậy, đặt trên những chiếc bàn con ven đường đầy bụi bặm. Rồi những miếng đậu rán được “cất” trong chiếc tủ kính sơ sài mà không bao giờ “khép cửa”. Tất cả đều được “lộ thiên” ngay trên vỉa hè, không một chút che chắn cẩn thận nào. Ấy vậy mà, nơi đây lúc nào cũng nườm nượp người ăn, đặc biệt là các bạn sinh viên mỗi xế chiều.

Khi được hỏi về chất lượng vệ sinh của những hàng quán di động, hầu hết các bạn đều đồng ý rằng những loại thực phẩm vỉa hè này không được sạch sẽ cho lắm. Nhưng biết thì cũng chỉ là biết, còn ăn thì vẫn cứ ăn. Vậy đâu là nguyên nhân?

          “Ăn ở chỗ quen thì lo gì”

Một số bạn thường ăn ở những quán quen vì có sự tin tưởng vào người bán. Các bạn cho rằng chỗ quen thì thường an toàn vệ sinh hơn những chỗ khác. “Mình hay ăn xúc xích ở đây, đôi ba lần rồi thành “khách ruột” luôn. Mà ăn ở chỗ quen thì lo gì”. Ngọc Mai (Cao đẳng Múa) hào hứng chia sẻ.

Niềm tin này, thực chất, chỉ dựa trên sự “đảm bảo” bằng miệng của người bán chứ bản thân khách hàng như Mai không thể nào kiểm chứng được nguồn gốc hay thành phần của thực phẩm. Có chăng, cái “an toàn” mà Mai cảm nhận chính là qua chỗ ngồi, qua bát đũa hay qua cách phục vụ của người chủ hàng.

          “Ngon và rẻ!”  và “Cũng tiện nữa.”

“Mục sở thị” quán bún đậu Thương Mại – điểm đến quen thuộc của sinh viên các trường quanh khu vực Hồ Tùng Mậu, nằm ngay bên lề phố đầy phương tiện lưu thông, sát với đường cống nước, và cách nơi tập kết rác đầy ruồi muỗi của khu dân cư vài bước chân – chúng tôi nhận thấy quán lúc nào cũng ngút ngàn người ăn, thậm chí, có những ngày còn chẳng đủ chỗ.

4

( Nguồn: Báo Lao động)

          H.Anh (ĐH Thương Mại) thẳng thắn bày tỏ “nhiều lúc vào quán cũng nhìn thấy người ta làm không được vệ sinh cho lắm” nhưng bản thân H.Anh vẫn thường xuyên gửi gắm dạ dày ở đây thay vì chọn một cửa hàng tử tế khác, bởi lẽ “nó khá là ngon và rẻ. Với sinh viên, như thế là được rồi!” Còn cô bạn Hà (Cao đẳng Múa) lại thích thú kể về những phi vụ ăn vặt của mình mỗi chiều tan học vì “nó bán ở ngay trước cổng trường nên tớ ăn luôn. Tiện mà”.

bún đậu

Thế mới thấy, ngon, rẻ và việc “mọi thứ có sẵn trong tầm tay” ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu chí ăn uống của giới trẻ. Mặc dù nhận thức được “độ an toàn” của thực phẩm hè phố là rất thấp, nhưng các bạn sinh viên của chúng ta vẫn vui vẻ chấp nhận. Vậy nên, chỉ cần đưa ra mức giá “hời” nhất và đặt ở một vị trí thuận lợi nhất có thể là các gánh hàng này đã dễ dàng lôi kéo được các “thượng khách”.

        

         (Clip phỏng vấn các bạn sinh viên)

          “Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết”

Một lý do khác phải kể đến đó là tâm lý phó mặc bản thân của giới trẻ ngày nay. Trước sự càn quét của các loại thực phẩm “bẩn”, bạn Thắng (ĐH Thương Mại) hóm hỉnh chia sẻ: “Giờ quán nào cũng như nhau cả thôi, ăn cũng chết mà không ăn cũng chết.” Đó đồng thời là suy nghĩ chung của nhiều sinh viên khác. Cho rằng thực phẩm “bẩn” không chừa một địa điểm nào nên các bạn đành “tặc lưỡi” bỏ qua chuyện chất lượng, chọn đại một quán ven đường cho xong.

          Nguyên nhân thực sự là gì?

Liệu có phải không còn sự lựa chọn nào khác cho các bạn sinh viên? Sự thật là hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở ăn uống sạch sẽ và đảm bảo chất lượng dành cho giới sinh viên trên thị trường. Nhưng buồn thay, chúng lại không được “chào đón nồng nhiệt” bằng hàng quán vỉa hè cũng bởi những lý do tưởng chừng rất chính đáng kể trên: “ngon – rẻ – tiện” hay “ăn cũng chết mà không ăn cũng chết”. Tuy nhiên, những suy nghĩ đó của các bạn thực chất chỉ là một vỏ bọc nhằm bao biện cho sự thiếu hiểu biết đầy đủ về nguy cơ tiềm ẩn của thức ăn hàng quán vỉa hè. Minh chứng rõ nhất là khi được hỏi về tác hại của những đồ ăn vặt đến sức khỏe, hầu hết các bạn đều trả lời là không rõ hoặc cười trừ, bỏ ngỏ.

Có lẽ, sự mơ hồ này xuất phát từ tính “không tức thời” của các chất độc hại. Theo TS Chu Thị Tuyết (GĐ Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng – BV Bạch Mai) “Những hóa chất, chất phụ gia tẩm vào thức ăn sẽ tích tụ trong cơ thể; nó không gây ngộ độc ngay, nhưng lâu ngày sẽ có biểu hiện là ung thư”. Chính quá trình thẩm thấu và phát bệnh lâu dài này khiến các bạn sinh viên lầm tưởng rằng bản thân vẫn rất an toàn.

       (Chuyên gia chia sẻ tác hại của đồ ăn ở hàng quán vỉa hè)

Hay như chia sẻ của PGS.TS Phan Thị Sửu (GĐ Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm), ăn vặt vỉa hè còn gây nên nguy cơ viêm nhiềm đường ruột do “khuẩn Ecoli; đất, cát, kim loại nặng trong khói xe; vi sinh vật trong không khí; bụi bẩn, mồ hôi từ tay người bán hàng và các chất hương liệu, đường hóa học để chế biến”.

Quán ăn vỉa hè – xu hướng lên cao của giới trẻ. Quán ăn vỉa hè – tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Mỗi sinh viên hãy là người tiêu dùng thông thái! Đừng vì ham ngon, rẻ mà rước họa vào thân.

6 thoughts on “Sinh viên và câu chuyện đồ ăn “vỉa hè”

  1. Mình like cho quán bún đậu mắn tôm thương mại, ngon mà rẻ thật. Cũng k biết chủ quán vệ sinh thế nào, nhưng cũng thingr thoảng ăn nên chắc k sao

    Like

Leave a comment